0

Rối loạn nhân cách là gì? (phần 1) | Safe and Sound

Tính cách là sự phối hợp của nhận thức, suy nghĩ lâu dài về môi trường và bản thân được thể hiện qua nhiều bối cảnh xã hội và hoàn cảnh cá nhân. Rối loạn nhân cách được bác sĩ tâm thần chẩn đoán khi người bệnh thể hiện các dạng tư duy, hành vi và sinh hoạt xã hội không lành mạnh một cách liên tục và kéo dài.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần có thể tác động sâu sắc đến cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, hành động, thế giới quan cùng lối cư xử của bệnh nhân. 

Những người mắc rối loạn nhân cách gặp khó khăn không chỉ trong việc hiểu được bản thân mình mà còn trong việc liên hệ với những người khác. PD khác với các căn bệnh tâm thần khác bởi tính chất kéo dài của nó và bởi thực tế là nó không thể được so sánh với một căn bệnh thể chất. Hành vi của người bệnh khác biệt một cách thấy rõ so với các chuẩn mực trong đời sống xã hội, nhưng họ vẫn có thể kiểm soát cuộc sống của mình mà không cần đến sự hỗ trợ y tế, theo cách mà một người mắc căn bệnh cực đoan chẳng hạn như tâm thần phân liệt sẽ không thể làm được. Rối loạn nhân cách thường đi cùng với việc lạm dụng chất, trầm cảm và lo âu.

Ảnh 1: Rối loạn nhân cách là một nhóm các tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần

2. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách

Nhân cách là toàn bộ thuộc tính, đặc điểm tâm lý mang tính chất cá nhân, biểu thị bản sắc độc đáo và giá trị xã hội, góp phần phân biệt người này với người khác. Quá trình hình thành nhân cách chịu ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố bẩm sinh và yếu tố môi trường sống (gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội).

Các nguyên nhân chính xác gây ra các rối loạn nhân cách vẫn chưa được bác sĩ tâm thần xác định rõ, nhưng dường như các yếu tố rủi ro bao gồm việc gia đình bệnh nhân có bệnh sử về rối loạn nhân cách hay các rối loạn tâm thần khác; một tuổi thơ bị lạm dụng, không ổn định, hay hỗn loạn; hoặc một chẩn đoán về tính gây gổ và bất tuân một cách quá mức trong giai đoạn tuổi thơ. Những khác biệt trong các chất hoá học và cấu trúc não bộ cũng có thể đóng vai trò tác nhân. 

3. Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách

Có 10 loại rối loạn nhân cách được bác sĩ tâm thần phân thành 3 nhóm dựa trên những tương đồng lớn của mỗi nhóm. 

3.1. Rối loạn nhân cách nhóm A: kỳ quái/lập dị (odd/eccentric)

Một người mắc rối loạn nhân cách nhóm A có những dạng hành vi mà phần lớn người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng người ấy kỳ quái và lập dị, gặp khó khăn trong việc xây dựng mối liên hệ với người khác và sợ hãi các tình huống tiếp xúc xã hội. Người bệnh có thể không tin rằng mình đang có vấn đề. Các bác sĩ tâm thần chia nhóm này bao gồm ba dạng rối loạn nhân cách: hoang tưởng (paranoid), phân liệt (schizoid), thể phân liệt (schizotypal).

 Ảnh 2: Bệnh nhân không tin rằng mình đang có vấn đề

* Rối loạn nhân cách hoang tưởng

  • Người bệnh hết sức đa nghi và không tin tưởng người khác
  • Họ nghĩ rằng người khác đang nói dối họ, cố gắng thao túng họ hoặc đang truyền nhau những bí mật.
  • Họ tìm ra những ý nghĩa ẩn giấu đằng sau những lời nhận xét hồn nhiên.
  • Họ gặp vấn đề trong việc duy trì các mối quan hệ gần gũi, chẳng hạn như họ thường tin rằng người bạn đời của mình đang không chung thuỷ, bất chấp việc thiếu chứng cứ.
  • Sự đa nghi và thù địch của họ có thể được biểu hiện qua việc thích tranh cãi quá mức, việc than phiền lặp đi lặp lại, hay sự xa lánh lặng lẽ, đầy thù địch.
  • Tính thận trọng thái quá của một người trước những mối nguy hiểm khả dĩ khiến họ trông phòng vệ, bí mật, ranh mãnh và thiếu cảm giác dịu dàng. 

* Rối loạn nhân cách phân liệt

  • Người bệnh trông có vẻ lạnh lùng, xa cách và thờ ơ trước người khác.
  • Họ thích hoạt động một mình.
  • Họ ít mong muốn tạo lập các mối quan hệ gần gũi dưới bất kỳ dạng thức nào, gồm cả các mối quan hệ tình dục.
  • Họ có các biểu hiện xã hội hạn chế.
  • Họ không thể nhận thấy được những ngụ ý trong giao tiếp xã hội hay phản hồi trước những lời chỉ trích hay khen ngợi.
  • Họ khó cảm thấy sự thích thú hay niềm vui.
  • Bệnh nhân nam tỷ lệ cao hơn nữ.
  • Họ có thể có một người họ hàng mắc chứng tâm thần phân liệt, nhưng rối loạn nhân cách phân liệt không phải là một loại bệnh nặng đến vậy.

* Rối loạn nhân cách thể phân liệt

  • Người bệnh trở nên rất lo lắng và thu mình trong các tình huống xã hội, thậm chí cả trong những bối cảnh quen thuộc.
  • Họ đưa ra những phản ứng không phù hợp đối với những ngụ ý trong giao tiếp xã hội. 
  • Họ có những suy nghĩ hoang tưởng, gán vào những sự kiện hàng ngày tầm quan trọng không đúng đắn và lạc hướng. Ví dụ, họ có thể tin rằng một nhan đề bài báo có chứa đựng những thông điệp bí mật dành cho họ.
  • Họ có thể tin vào những năng lực đặc biệt, chẳng hạn như thần giao cách cảm, hay năng lực thần bí của riêng họ có khả năng tác động đến cảm xúc và hành động của người khác.
  • Họ có thể có cách nói chuyện bất thường, chẳng hạn như nói những câu dài dòng, mơ hồ, hay thay đổi đề tài giữa chừng.
: Rối loạn nhân cách là gì? (phần 1) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound